Chào Bác sĩ! Tôi năm nay 22 tuổi, là nam giới. Cho hỏi sao em đánh răng thì thấy có máu và có khi ăn đồ chua răng bị ê nữa cho hỏi nguyên nhân là sao có cách chữa ê buốt răng không?
Chào bạn!
Bạn bị ê buốt răng khi ăn đồ chua và bị chảy máu chân răng có thể là do các bệnh lý của vùng răng miệng như viêm lợi (hay gặp nhất), bệnh nha chu... Răng của bạn bị ê buốt khi ăn đồ ăn chua còn gọi là răng nhạy cảm. Đây là cách gọi thông thường của hiện tượng quá cảm ngà hoặc là triệu chứng ê buốt chân răng. Khi bạn ăn uống những đồ nóng, lạnh, chua, ngọt hoặc hít thở không khí lạnh mà có cảm giác ê buốt tức là bạn đã có triệu chứng răng nhạy cảm. Răng ê buốt thường xảy ra bởi ngà răng ở vùng chân răng bị lộ do tụt nướu hoặc do bệnh nha chu. Khi chân răng bị lộ, nên đã không có được lớp men răng bao bọc như ở thân răng mà chân răng được bao bọc một lớp mỏng bên ngoài là xê măng. Khi lớp này mất đi ngà răng sẽ bị lộ ra ngoài và gây nên hiện tượng ê buốt. Nếu bạn chải răng quá mạnh hoặc sử dụng loại kem đánh răng có độ mài mòn cao thì có thể gây mòn bề mặt men răng và lộ ngà.
Việc chăm sóc, vệ sinh răng miệng không tốt sẽ dẫn tới viêm lợi và việc chải răng không đúng cách có thể làm cho lợi bị tổn thương.
Triệu chứng của viêm lợi là đau nhức quanh răng (nhất là khi ăn thức ăn quá mặn, quá nóng) sẽ làm cho lợi bị sưng tấy, đau nhức. Nếu viêm lợi lâu ngày thì nơi viêm có thể chỉ hơi sưng, không đau nhưng rất dễ chảy máu khi va chạm (dù va chạm rất nhẹ). Ngoài ra trong một số bệnh mạn tính như: tiểu đường, tim mạch, thiếu vitamin (nhất là vitamin C) cũng có triệu chứng viêm lợi. Tuy nhiên, đa số các trường hợp viêm lợi là do việc vệ sinh răng miệng kém, có nhiều cao răng gây viêm lợi và tụt lợi. Sau khi ăn uống mà không được xúc miệng, chải sạch răng nên các cặn thức ăn bị đọng lại trên lợi, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây nên viêm lợi và sâu răng.
Để hạn chế tình trạng viêm gây chảy máu, bạn nên thực hiện tốt việc vệ sinh răng miệng như: chải răng ngay sau mỗi bữa ăn, sau khi uống nước ngọt, bạn nên xúc miệng bằng nước muối pha loãng hoặc nước đun sôi để nguội. Sử dụng bàn chải mềm để không làm tổn thương nướu và sử dụng chỉ nha khoa đúng cách.
Một số phương pháp điều trị tạm thời triệu chứng chảy máu chân răng:
- Cung cấp lượng vitamin C cho cơ thể thông qua thức ăn và trái cây (bưởi cung cấp lượng vitamin C khá cao - nên ăn khoảng 1- 2 trái bưởi/ngày trong vòng nửa tháng).
- Sử dụng 1 túi trà lọc nhỏ nhúng vào nước cốc nước lạnh sau đó lấy túi trà đó để vào trong lợi bị chảy máu.
- Có thể dùng 1 quả chanh với 2 gram tỏi mỗi ngày giúp cho tăng cường vitamin C để ngăn chặn chứng chảy máu chân răng.
- Nếu bạn có hút thuốc lá thì nên từ bỏ nó vì thuốc lá gây viêm nướu và làm thay đổi cách chuyển hóa vitamin C của cơ thể…
Tuy nhiên, để điều trị triệt để chứng chảy máu chân răng và ê buốt răng, bạn nên đi khám chuyên khoa răng hàm mặt để được chẩn đoán chính xác cũng như điều trị hiệu quả.
Chúc bạn vui, khoẻ!