PDA

View Full Version : Vui buồn nghề thú y,đọc để hiểu thêm!


davidminhtang
12-06-2012, 02:07 PM
VUI BUỒN NGHỀ... THÚ Y

Làm nghề bác sĩ thú y cũng luôn gặp phải những chuyện "dở khóc, dở cười". Người thì thái quá, thấy thú cưng hắt hơi một chút đã cuống cuồng đưa ngay đến phòng mạch, ngược lại, người thì bỏ bê, đợi chó bệnh đến lê lết mới nhớ tới thầy thuốc.

Thú cưng chết, tội quy về bác sĩ

Vừa mới ở Tân Bình chuyển qua Trạm thú y Bình Thạnh, TP.HCM, bác sĩ Thông đã suýt bị một ông kiến trúc sư kiện ra tòa. Chuyện là nhóm bác sĩ, y tá của trạm đang chích thuốc cho con chó bệnh nhà ông thì một tên xì ke bước vào trạm đi nhờ toa lét. Mọi người nhốn nháo lên vì sợ anh ta lấy cắp đồ đạc. Trời xui đất khiến thế nào mà con chó về nhà ngã ra chết, khiến suốt cả tuần, trạm thú y bị gia chủ gọi điện "khủng bố", đòi kiện nhóm chữa trị. Cuối cùng, bác sĩ Thông phải đến tận nhà đền 350.000 đồng.

Cũng từng gặp phải những cảnh ngộ trên, bác sĩ Việt, trạm thú y quận 1 cho biết, chó mèo bị viêm phổi, nếu đến sớm thì điều trị rất khỏe. Nhưng nếu để 1-2 tuần, chó thở không nổi mới đem đến thì quả là rất khó khăn mới cứu được con vật. Ngoài ra, có những bệnh cần chữa trị lâu dài, người ta không hiểu, đợi 1-2 ngày thấy bệnh không chuyển biến liền đem đi chỗ khác chữa trị, hoặc nói nặng nhẹ với người chữa.

Với quan niệm "chó mèo chỉ cần chích 2 mũi là khỏe ngay", nhiều người ngại dẫn chó mèo đi chích ngừa tổng hợp đúng định kỳ, sợ tốn tiền, không xét nghiệm chuyên sâu cho thú mà chỉ thích chích thuốc, có khi còn tự mình chữa trị cho chúng. Hậu quả là mất thú cưng và sứt mẻ luôn cả tình cảm với bác sĩ thú y.

Anh Lượng, nhà ở Gò Vấp, có một nguyên tắc khá "chướng": chó của anh thì phải do chính anh chích, còn bác sĩ chỉ tham vấn và cho lời khuyên. Một lần, con chó becgiê rất đẹp bỏ ăn, anh mới truyền nước cho nó liên tục hai ngày. Đến ngày thứ ba thì thú cưng "hai mươi triệu" lăn ra chết. Anh đùng đùng đến trách bác sĩ tại sao không khuyên anh dùng kháng sinh mạnh hơn. Đến khi mổ tử thi thì mới vỡ lẽ chú chó bị viêm phổi và chết do tích nước anh truyền. Giá như anh dắt chó đi xét nghiệm đàng hoàng thì điều đáng tiếc đã không xảy ra.

Được coi trọng chưa chắc đã... sướng

Hiện ở TP.HCM ngoài những nơi chẩn đoán, điều trị thuộc chi cục thú y thành phố, còn có một bệnh viện dành cho thú nuôi ở quận 2 và cả trăm phòng mạch tư nhân. Bác sĩ thú y giờ đây không chỉ đắt khách, làm không hết việc mà còn rất được coi trọng. Tuy nhiên, mỗi người lại bộc lộ mỗi kiểu, có những hành vi lắm lúc làm bác sĩ thú y... đỏ mặt. Như bác sĩ Thông, không biết vì chữa bệnh mát tay hay đẹp trai mà đôi khi có cô chủ chạy vào vồ vập, vuốt ve, miệng kề sát tai bác sĩ cảm ơn rối rít khiến ai cũng phải "ngại giùm". Còn những chuyện đại loại như, thấy bác sĩ là ôm chặt lấy khóc nức nở vì "con cún nó ói nhiều quá, bác sĩ ơi"... xảy ra như cơm bữa.

Cách gọi bác sĩ thú y của mỗi người cũng mỗi khác. Có người thân thiết gọi "thầy" xưng "em" (nhờ thầy chữa cho "cháu nó" giùm em), có người oang oang từ cửa "ông chích chó mèo ơi" >:)

Sự coi trọng bác sĩ của chủ vật nuôi cũng "nắng mưa" như sức khỏe của chú cún hay miu nhỏ. Điển hình là trường hợp bác sĩ Việt chữa bệnh viêm da cho chú chó Nhật lai Bắc Kinh của một vị khách ở đường Cô Giang, quận 1. Sau khi qua tay nhiều thầy thuốc, đến đây thấy chữa trị, bệnh chó giảm bớt, ông lão rất mừng. Gia cảnh nghèo nhưng mỗi lần đạp xe đến, ông lão đều có quà cho bác sĩ, khi thì cái bánh tét nhân chuối, nhân đậu, khi thì cây viết bi.

Có lần, bác sĩ Việt chích thuốc giảm kích ứng làm chú chó lừ đừ, cứ 15 phút, ông lão chạy lên một lần, sợ chó bị chích quá liều, đòi bắt đền. Chạy qua chạy lại 4-5 lần như vậy, anh Việt bực quá mới nói: còn toa thuốc ở đây, có gì tôi chịu. Đúng một tuần sau, ông lão lại đạp xe chở chó đến và không quên mua cho bịch bánh quy gọi là xin lỗi vì lo cho chó quá.

Cũng vì quá lo cho thú cưng, nhiều người đưa chó mèo đi phẫu thuật cứ nằng nặc đòi theo vào phòng mổ xem. Kết cục là, mỗi năm ở trạm thú y Bình Thạnh thống kê có đến vài chục ca người xỉu vì choáng mùi thuốc, mùi nước ối. Có người vừa thấy bác sĩ kéo chó con ra khỏi tử cung mẹ cũng... té xỉu.

Tuy cực, đôi khi cũng không tránh khỏi phiền phức, nhưng vui, đó là kết luận của hầu hết bác sĩ thú y khi nói về công việc của mình. Bác sĩ Thông nói "phải yêu thú thì mới làm được công việc này". Có ngày, anh không quản ngại đứng mổ cả chục ca một ngày, có khi 12 giờ, 1 giờ trưa cũng mổ nhưng vẫn cảm thấy vui vì tấm lòng và sự ân cần của những người nuôi thú. Còn bác sĩ Việt cũng nói "mình nhớ nhất hình ảnh chú chó con chích lần đầu tiên, trông dễ thương như con nít làm nũng. Đến giờ, quen rồi, mình đâm "ghiền" chích chó luôn".


Theo Tài hoa trẻ



------------------------------------------------------


Mình cũng học ngành Y,nên mạn phép góp đôi lời về cái nghề Thú Y mà khá nhiều bạn còn mờ mịt này nhé!

Trước tiên,bạn nào thích tìm hiểu về nghề BS Thú Y thì hãy xem link dưới đây:
http://tusach.thuvienkhoahoc.com/wiki/B%C3%A1c_s%E1%BB%B9_Th%C3%BA_y

Tuy nhiên,vì động vật không thể được đầu tư ngiên cứu quá nhiều đặc biệt là ở 1 quốc gia còn nghèo như nước mình,cho nên,tay nghề của 1 BS thú y thường tỉ lệ thuận với tình thương yêu động vật của người ấy. Còn với những người khác,ngành thú y gần như chỉ là 1 công việc để họ hái ra tiền từ việc bán thức ăn gia súc và chích thuốc ngừa dịch bệnh theo từng trang trại.

Ngoài quê mình,mấy tiệm thú y chỉ có công việc chính là bán thức ăn gia súc,và họ giàu thấy rõ (4,5 căn nhà khang trang,xe hơi, con cái gửi đi học nước ngoài....). Nên chẳng lạ gì việc các Bác ấy quên bẵng tay nghề khám chữa bệnh,nếu họ không có sẵn tình yêu thương động vật!

Ở TpHCM này,là đô thị,mấy phòng mạch tư Thú y mở ra nhắm đến đối tượng là những gia đình thượng lưu nuôi thú kiểng,cưng chiều hết mực,thú cưng bệnh thì sẵn sàng chi bạc triệu để chữa trị,đặc biệt,nếu có lỡ tay làm chết thú cưng thì cũng chẳng đến nỗi "thân bại danh liệt" như Bác sĩ điều trị cứu người,thành ra việc khám chữa bệnh hoàn toàn tùy tâm sở dục!

Do đó,các bạn nếu đi khám ở các phòng mạch,tốt nhất là phải để ý thái độ của người khám,ánh mắt họ nhìn,giọng nói và ngữ điệu khi tiếp xúc,và cảm xúc của họ khi trông thấy 1 "em" nào đó "ra đi"...... Để từ đó mà bạn rút ra được rằng người nào thực tâm muốn cứu chữa bệnh,người nào chỉ học qua loa và trị sơ sài nhằm kiếm tiền! Chỉ cần 1 mũi thuốc tiêm sai quy cách thôi thì các em ấy sẽ "ra đi" liền,chưa kể rất nhiều phòng khám vô lương tâm nhập về các lô thuốc hết date của người,với giá siêu rẻ,rồi đem trị cho thú cưng,dẫn tới rất nhiều case "càng điều trị càng yếu dần"!!!

Vậy nên,mong lắm 1 tấm lòng,một tâm hồn biết yêu thương động vật,giống như bác sĩ DoLittle trong một bộ phim quen thuộc của Mỹ vậy,hiii ^___^

hunghalico
12-06-2012, 02:07 PM
Do đó,các bạn nếu đi khám ở các phòng mạch,tốt nhất là phải để ý thái độ của người khám,ánh mắt họ nhìn,giọng nói và ngữ điệu khi tiếp xúc,và cảm xúc của họ khi trông thấy 1 "em" nào đó "ra đi"...... Để từ đó mà bạn rút ra được rằng người nào thực tâm muốn cứu chữa bệnh,người nào chỉ học qua loa và trị sơ sài nhằm kiếm tiền! Chỉ cần 1 mũi thuốc tiêm sai quy cách thôi thì các em ấy sẽ "ra đi" liền,chưa kể rất nhiều phòng khám vô lương tâm nhập về các lô thuốc hết date của người,với giá siêu rẻ,rồi đem trị cho thú cưng,dẫn tới rất nhiều case "càng điều trị càng yếu dần"!!!

Vậy nên,mong lắm 1 tấm lòng,một tâm hồn biết yêu thương động vật,giống như bác sĩ DoLittle trong một bộ phim quen thuộc của Mỹ vậy,hiii ^___^